Khủng hoảng là cơ hội để DN bất động sản tái cấu trúc, thay đổi lại tư duy và chiến lược
Dịch Covid-19 như một “cú sốc” đối với thị trường bất động sản, khiến cho nhiều phân khúc rơi vào tình trạng trầm lắng, nhiều tài sản bị các nhà đầu tư bán tháo do chịu áp lực tài chính, một số tài sản đã giảm giá,…Đã có nhiều đánh giá tác động tiêu cực của dịch bệnh lên BĐS được đưa ra trong thời gian qua.

Thị Trường Bất Động Sản Hậu Covid
Chẳng hạn theo CBRE Việt Nam, người dân đã hạn chế mua sắm trực tiếp tại các TTTM khiến lưu lượng khách giảm tới 70-80%, cả hàng, nhà hàng đóng cửa hàng loạt phải trả mặt bằng; Chủ mặt bằng cũng đã chủ động giảm giá thuê từ 20-30%. Đơn cử như Hưng Thịnh đã quyết định giảm 40% giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại để hỗ trợ khách thuê từ tháng 2 đến 4.2020. Vincom Retail dành 300 tỉ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn quốc thông qua hình thức giảm phí thuê, tăng khuyến mãi cho khách hàng đến mua sắm…
Phân khúc căn hộ cũng gặp khó khăn khi nhu cầu mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài đều giảm, lượng giao dịch trong quý giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3% (theo Hiệp hội môi giới BĐS)
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt ngay trong quý 2 này thì nhiều khả năng thị trường BĐS vẫn có khả năng chịu đựng được, và một số phân khúc như nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng vẫn có thể giữ ổn định về giá. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài lâu hơn nữa thì rất có thể thị trường BĐS sẽ rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Theo CBRE Việt Nam, giá căn hộ có thể giảm trung bình 5%, giao dịch và nguồn cung mới giảm khoảng trên 50%.
Nhìn lại những cuộc khủng hoảng của thị trường BĐS như thời 2008-2009 hay thị trường đóng băng thời 2011-2012, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng cũng lại là cơ hội để các DN lớn đánh giá lại chiến lược phát triển, cũng như tái cơ cấu bộ máy hoạt động. Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác, nhiều ông lớn địa ốc cũng đã phất lên sau này chính nhờ vào chiến lược thâu tóm quỹ đất thời khủng hoảng.
Khủng hoảng là cơ hội để DN bất động sản tái cấu trúc, thay đổi lại tư duy và chiến lược. Hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Thị trường bất động sản “hậu” Covid-19
Theo đánh giá của Vietnam Report, dù thị trường còn nhiều điểm khó nhưng BĐS vẫn còn cơ hội được thể hiện ở các yếu tố như những động thái của Chính phủ về chính sách, tiêu biểu như giải quyết những vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ năm 2019 trở về trước; xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ, kinh tế và chính trị, từ đó tạo niềm tin, thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thông qua trong tháng Hai và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Từ đó đối tượng nhóm khách thuê được mở rộng với sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu.
Tuy vậy, các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra các điểm cần lưu ý đối với người mua khi tiếp cận thị trường BĐS trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Đó là người mua phải tỉnh táo để không mắc phải các “chiêu lừa” bán đất nền vùng ven; đặc biệt lưu ý đến pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư trước khi “xuống tiền”.